Một chiếc xe hơi càng hiện đại càng được trang bị nhiều hệ thống điện – điện tử phức tạp. Các hệ thống này nhằm giúp cho chiếc ô tô ngày nay thông minh hơn, dễ dàng điều khiển hơn và đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của con người. Nhưng, cũng chính điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những người thợ, nhất là những người thợ theo kiểu “cha truyền con nối” hoặc “nghề dạy nghề”. Khi những chiếc xe “cỏ” dần bị thay thế thì “nồi cơm” của họ cũng dần nhỏ lại. Họ phải đối diện với những lựa chọn do sự khắc nghiệt của quy luật chọn lọc tự nhiên đặt ra hoặc là bỏ nghề tìm một “chân trời” khác hoặc là phải tiếp tục thay đổi, học tập để thích nghi. Đa phần sẽ lựa chọn con đường thứ 2 là sẽ tiếp tục chinh phục những khó khăn, thử thách vì nhiều lý do trong đó lý do đơn giản nhất nhưng lại lớn nhất đó là yêu nghề, yêu mùi dầu nhớt.
Tuy nhiên, việc học đôi khi không đơn giản, nhẹ nhàng như hình ảnh bên ngoài của nó, nhất là học thêm về phần điện – điện tử ô tô. Nó không mang dáng vẻ nặng nhọc về mặt thể chất như hình ảnh lấm lem nhớt hoặc mồ hôi ướt áo như những “bác” thợ vốn đã quá quen thuộc mà nó mệt nhọc hơn về mặt đầu óc, đôi khi trong quá trình sửa chữa khắc phục một pal điện sẽ gây ra những sự “rối loạn”, căng thẳng, không biết bắt đầu từ đâu, đôi khi không biết việc mình làm có ý nghĩa gì … Vì lý do này nên không phải ai cũng có thể tiếp tục được.
Vậy làm thế nào để tiếp cận – sửa chữa những hệ thống điều khiển điện – điện tử trên ô tô một cách dễ dàng và hiệu quả?
Đầu tiên chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản như:
– Dòng điện, điện áp, điện trở
– Sự sụt áp của dòng điện, định luật ôm
– Các điều kiện làm việc của hệ thống, chức năng của hệ thống (hệ thống làm việc khi nào)
Sau đó, chúng ta cần tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các hệ thống. Nguyên lý hoạt động là phần quan trọng nhất vì nó sẽ giúp chúng ta chẩn đoán và sửa chữa. Về mặt cơ bản thì hệ thống điều khiển điện – điện tử ô tô chia ra làm ba phần chính:
– Tín hiệu đầu vào (từ các cảm biến)
– Bộ xử lý (ECU/ECM)
– Tín hiệu đầu ra (tín hiệu điều khiển cho các bộ chấp hành)
Về cơ bản, chỉ cần hiểu rõ về nguyên lý chúng ta sẽ có khả năng chẩn đoán và khoanh vùng hư hỏng nằm ở phần nào trong ba phần của 1 hệ thống điều khiển điện tử.
Ở mức độ cao hơn chúng ta có thể thay đổi về cách điều khiển cho hệ thống (lập trình lại hộp). Phần này đòi hỏi người thợ phải có kiến thức vừa sâu vừa rộng đồng thời phải có đầy đủ công cụ, thiết bị hỗ trợ mới có thể làm được.
Đôi dòng chia sẻ hy vọng giúp được các anh (em) có được cái nhìn tổng quan về cách tiếp cận với các hệ thống điều khiển điện – điện tử trên ô tô. Cảm ơn các anh (em) đã dành thời gian quý báu để đọc bài viết.
Chúc cho các anh (em) có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục theo đuổi đam mê và giúp gia đình ô tô Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
TG: Nguyễn Minh Đăng (Giảng viên khoa công nghệ ô tô Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM)